Phát triển mạnh trong giai đoạn 2009 – 2012, thị trường mua bán – sáp nhập doanh nghiệp (M&A) được dự báo sẽ chững lại đôi chút trong năm 2013. Tuy nhiên, tổng giá trị các thương vụ vẫn được ước tính ở mức gần 4 tỷ USD.
Nhận định về thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam, hầu hết các chuyên gia tại hội thảo “Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá”, vừa được tổ chức tại Hà Nội, đều có chung nhận định về một sự tăng trưởng “vượt bậc” trong vòng 5 năm qua. Cụ thể, giá trị các thương vụ đã tăng gấp 5 lần, từ con số 1,08 tỷ USD năm 2009 lên mức 5,1 tỷ USD vào 2012. Riêng 2012, giá trị M&A tăng 70% so với 2011.
Số liệu cũng cho thấy, trong 5 năm, các thương vụ M&A liên quan đến doanh nghiệp nội chiếm đa số, với 77%. Tuy nhiên, do đặc thù doanh nghiệp Việt quy mô nhỏ nên giá trị thương vụ không lớn, chủ yếu từ 2 – 5 triệu USD mỗi giao dịch. Năm 2012, số thương vụ có sự tham gia của doanh nghiệp Việt trong vai trò người đi mua cũng chiếm tới 40%.
Theo các chuyên gia, giá trị thương vụ M&A trong năm 2013 dự kiến sẽ thấp hơn năm 2012, ước đạt khoảng gần 4 tỷ USD. 6 tháng đầu năm, tổng giá trị các thương vụ mới đạt khoảng 1,8 tỷ USD.
Tại hội thảo, một số doanh nghiệp tham gia các thương vụ M&A gần đây đã chia sẻ những kinh nghiệm để thành công sau hoạt động mua bán. Là một đơn vị trong vòng 2 năm tham gia vào 2 thương vụ M&A, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, người sáng lập Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ cho biết, đây là những quyết định đúng đắn. Xuất phát điểm là một phòng khám tư nhân, đến năm 2009, Y khoa Hoàn Mỹ đã có 10 cơ sở từ Huế vào Cà Mau. Tuy nhiên, sau đó, tập đoàn vấp phải những khó khăn lớn về tài chính khi nợ ngân hàng tới 370 tỷ đồng – một trong những khoản lớn thời đó. Dòng tiền không đủ để trang trải nợ nên Hoàn Mỹ phải tìm đến giải pháp M&A lần thứ nhất.
Các chuyên gia dự đoán năm 2013, giá trị thương vụ sẽ thấp hơn 2012.: Ảnh: Báo Đầu tư |
“Tiếp đó, tôi thấy việc giải quyết công nợ cũng chưa phải là đã xong, cần phải làm sao để doanh nghiệp phát triển và trở thành tập đoàn y khoa lớn nhất Việt Nam. Chúng tôi quyết định M&A lần thứ 2. Khi giải pháp này đưa ra, có 5 nhà đầu tư đã tìm đến đặt vấn đề. Cuối cùng chúng tôi đã chọn Fortis – tập đoàn của Ấn Độ để thực hiện thương vụ này”, bác sĩ Tùng cho hay.
Người sáng lập Hoàn Mỹ cũng cho biết, giá trị của tập đoàn này đã tăng mạnh sau 2 lần M&A. “Ở thương vụ đầu tiên, giá trị của chúng tôi là 34 triệu USD. Nhưng chỉ một năm sau, khi Fortis vào mua thì giá đã tăng lên 100 triệu USD”, ông Tùng nói. Đến nay, Hoàn Mỹ đang theo đuổi chiến lược mua lại những bệnh viện khác trong cả nước.
Ở chiều ngược lại, dưới góc độ đi mua doanh nghiệp, lãnh đạo Tập đoàn Thiên Minh cũng cho biết, giá trị của đơn vị này cũng gấp 3 lần sau thương vụ mua lại Victoria Hotels & Resort. Từ năm 1994, Thiên Minh chỉ là một công ty du lịch và sở hữu một số khách sạn nhỏ trong nước với tổng tài sản khoảng 500 tỷ đồng. Đến năm 2011, tập đoàn này công bố mua lại chuỗi khách sạn Victoria Hotels & Resorts của nhà đầu tư ngoại với giá trị khoảng 45 triệu USD.
Ông Hồ Việt Hà – Giám đốc Tài chính của Thiên Minh cho biết, điều khó khăn nhất là sau khi mua lại, phải làm sao để việc hợp nhất giữa các đơn vị có thể tạo ra giá trị chung.
GS Nigel Denscombe – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Denscombe tại Tokyo và New York, thừa nhận hoạt động M&A tạo ra giá trị cộng hưởng lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, không nhất thiết phải mua bán, doanh nghiệp mới có thể đi lên được.
“Trên thế giới, 80% doanh nghiệp sau khi đi mua đơn vị khác thì không hài lòng với những kết quả M&A. Chỉ có 20% là cảm thấy hài lòng với thương vụ của mình. Ở Việt Nam, tôi nghĩ điều này không ngoại lệ vì đây là một thị trường còn non trẻ”, diễn giả này cho hay.
Theo ông Nigel, lý do khiến nhiều doanh nghiệp không hài lòng là trước khi quyết định mua đơn vị khác đã không phân tích kỹ chiến lược. “Họ kết thúc thương vụ một cách vội vàng, do đó, xác suất thất bại rất cao”, vị này cho hay. Ông Nigel cũng khuyến nghị, không phải thương vụ nào có giá trị lớn thì sau này cũng mang lại hiệu quả tốt.
Một lý do nữa theo ông Nigel cũng thường xảy ra trong quá trình M&A, đó là sự hòa quyện giữa yếu tố mới và cũ trong doanh nghiệp không phải điều dễ dàng. Vì thế, theo chuyên gia này, để tránh những sai lầm, khi mua hoặc bán công ty, các bên liên quan cần đánh giá đúng mục tiêu của mình. “Bên cạnh đó, không nên đa dạng hóa sản phẩm hoặc lĩnh vực hoạt động một cách quá mức, dẫn đến việc không kiểm soát hết hệ thống”, ông Nigel khuyến cáo.
Thống kê từ nhóm nghiên cứu M&A Vietnam Forum cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài chiếm 66% giá trị các giao dịch M&A, trong đó năm 2011 là năm có nhiều thương vụ lớn được ghi nhận nhất. Nhật Bản hiện đang dẫn đầu các quốc gia có doanh nghiệp thực hiện M&A vào Việt Nam xét cả về số lượng và giá trị. Các thương vụ được nói đến nhiều nhất là Mizuho trở thành đối tác chiến lược của Vietcombank, Unicham mua 95% cổ phần Diana, Sumitomo mua cổ phần của tập đoàn Bảo Việt và UFJ Mitsubishi mua cổ phần của Vietinbank… Xét về lĩnh vực, ngành hàng tiêu dùng được đánh giá là thu hút nhất, với tổng giá trị thương vụ M&A riêng trong năm 2012 lên đến 1 tỷ USD, chiếm 25% tổng giá trị cả năm. |
Ngọc Tuyên
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi cộng đồng webmaster