Nomura Holdings (Nhật Bản) cho rằng thời kỳ khủng hoảng tồi tệ nhất đã tạm qua tại những thị trường mới nổi ở châu Á, kể từ sau khi các nhà đầu tư rút hàng tỷ USD khỏi khu vực hồi tháng 8.
Các nền kinh tế đang lên vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng không còn nằm trong “trung tâm cơn bão khủng hoảng tài chính”. Ảnh: Bloomberg |
Chuyên gia Steve Ashley, trưởng mảng thị trường toàn cầu của công ty tài chính Nomura Holdings nhận định: “Giai đoạn khó khăn nhất đã qua đi nhưng không phải quốc gia nào trong khu vực cũng thoát khỏi thách thức. Dù sao Nomura vẫn đánh giá tích cực dài hạn về các tài sản rủi ro ở thị trường mới nổi châu Á”.
Triển vọng của khu vực này vẫn được xếp hạng tích cực trong khoảng 5 – 10 năm tới bởi lượng vốn từ các quỹ đầu tư rót vào đây sẽ bắt kịp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Ashley cho rằng các thị trường đã “nghiện” những chương trình nới lỏng định lượng từ FED. “Để đảm bảo nền tài chính mạnh khỏe dài lâu cần phải có các bước ổn định và thị trường không nên hoảng loạn vì sự thay đổi này”, Steve nói.
Góc nhìn của Ashley lại trái với quan điểm của Stephen Jen, đồng sáng lập quỹ đầu cơ SLJ Macro Partners LLP. Jen cho rằng nhóm thị trường này đang mất mát nhiều hơn trước bởi các nhà đầu tư sẽ rút tiền khỏi các quỹ, nguyên nhân do FED thu hẹp gói nới lỏng định lượng. Ông cũng đưa nhận định châu Á đang trong cơn bão khủng hoảng tồi tệ.
Theo nhà cung cấp dữ liệu EPFR Global, từ cuối tháng 5 đến nay, khoảng 44 tỷ USD đã rời thị trường chứng khoán và quỹ đầu tư trái phiếu ở các nền kinh tế đang lên tại châu Á. Trong khi đó, hết 7 tháng đầu năm 2013, khu vực này chỉ nhận được đầu tư 7,6 tỷ USD (số liệu của Viện đầu tư BlackRock). Thống kê của Bloomberg cũng cho thấy dòng tiền đổ vào thị trường mới nổi đang dần đảo chiều từ khi FED thông báo làm chậm quá trình mua trái phiếu bắt đầu từ tháng 9.
Phương Linh
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi webmaster viet nam