Tận dụng nguồn nước chảy quanh năm, gần 100 hộ dân ở thôn Phước Lộc Tây, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đang có thu nhập cao, ổn định nhờ nuôi cá chình, cá trắm cỏ trong lồng bè ven sông Trà Khúc.
Lồng, bè nuôi cá chình nằm san sát ven sông Trà Khúc trải dài hơn 1km ở thôn Phước Lộc Tây, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Ảnh: Trí Tín. |
Vốn làm nghề chài lưới ngược xuôi trên dòng sông Trà, khoảng 100 hộ dân ở thôn Phước Lộc Tây, xã Tịnh Sơn lâu nay vẫn chịu nhiều thiếu thốn. Năm 2005, trong một lần thả lưới, ngư dân Trần Kim Sanh trúng đậm nhiều cá chình con tự nhiên. Ông mang về nhà, mạnh dạn thử đào ao trong vườn nuôi thử nghiệm.
Sau nhiều tháng, thấy chình chậm phát triển, không chịu bỏ cuộc, ông Sanh tiếp tục đan lồng tre, giằng lưới bên trong thả nuôi cá chình trong lồng xuống ven sông Trà Khúc. Nhờ sống trong môi trường tự nhiên, cá chình mau chóng phát triển, chỉ trong khoảng 5 tháng có con nặng hơn 1 kg.
“Thấy con cá chình mang lại hiệu quả kinh tế bất ngờ, bà con lối xóm đến hỏi han cách tìm giống cá tự nhiên, kỹ thuật đan lồng, thức ăn. Phong trào nuôi cá chình trong lồng, bè ven sông Trà Khúc ở thôn bắt đầu rộ lên. Đến nay, trung bình mỗi năm tôi xuất bán khoảng 200 kg cá chình, thu về khoảng 150 triệu đồng”, ông Sanh cho biết.
Ông Trần Khánh ở thôn Phước Lộc Tây, xã Tịnh Sơn mừng vui với lồng cá chình sắp đến ngày thu hoạch có thể mang lại hơn 100 triệu đồng cho gia đình mình. Ảnh: Trí Tín. |
Giờ đây dọc ven sông Trà Khúc, trải dài khoảng một km ở thôn Phước Lộc Tây, xã Tịnh Sơn, những lồng, bè nuôi cá chình, cá trắm cỏ của người dân nằm san sát.
Vừa cho cá ăn dưới lồng, ông Trần Văn Vân kể, lúc trước người dân địa phương nuôi cá trắm cỏ, cá trê, giờ đây cá chình tự nhiên có giá 450.000 đến 500.000 đồng mỗi kg nên nhiều gia đình chuyển hướng sang nuôi loài cá nước ngọt “đặc sản” này. Nếu như đối với cá trắm cỏ mỗi ngày phải cho ăn ít nhất 2 lần với nhiều loại thức ăn tươi, rau xanh thì cá chình chỉ cần cho ăn một lần, chủ yếu là cá, tép nhỏ.
Để tránh hư hỏng cho lồng bè, thay vì làm bằng tre, giờ đây một số người dân làm lồng nuôi bằng kim loại nhôm chống gỉ, bên trong cắt những đoạn ống nhựa (loại phi 16) vừa tạo chổ trú ẩn cho chình vừa hạn chế loài thủy sản này thoát ra ngoài vào mùa lũ.
Lão ngư Trần Khánh cho biết: “Sau gần một năm thả nuôi, hiện tại cá chình trong lồng bè gia đình tôi đạt mỗi con hơn 1kg, có con nặng khoảng 2-3 kg. Từ nay đến cuối năm, nếu bán hết cá chình cả lồng bè này khoảng hơn 100 kg, trừ chi phí thu lãi về 100 triệu đồng”, ông Khánh hồ hởi nói.
Cá chình được nuôi ở trong lồng, bè ven sông Trà Khúc hiện được người tiêu dùng ở các tỉnh miền Trung xem là “thủy sâm”, món ăn đặc sản có giá 450.000 đến 500.000 đồng một kg. Ảnh: Trí Tín. |
Nói về hiệu quả kinh tế từ việc nuôi cá chình, ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch Hội nông dân xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh so sánh, giá trị cá chình gấp 6 lần cá trắm cỏ.
Người nuôi cá chình ít tốn công chăm sóc, nguồn thức ăn ở địa phương dồi dào, chưa đến ngày thu hoạch đã có nhiều thương lái, các chủ nhà hàng điện thoại đặt hàng đưa xe về mua tận nơi với giá cao 480.000 đồng đến 500.000 đồng mỗi ký. Cá chình nước ngọt, sống ngoài tự nhiên được người tiêu dùng ví là “thủy sâm” quý, bổ dưỡng cho sức khỏe nên không sợ bí đầu ra.
Ông Nguyễn Thanh Vy, Phó chủ tịch UBND xã Tịnh Sơn cho biết thêm, mô hình nuôi chình trong lồng bè ven sông Trà Khúc mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp người dân thoát nghèo bền vững. Chính quyền địa phương đang bàn tính lập tổ hợp tác xã liên kết các hộ dân nuôi cá chình, cá trắm cỏ trong lồng, bè ven sông để hỗ trợ kỹ thuật, vốn vay ưu đãi, mở hướng đầu ra cho nghề nuôi trồng thủy sản nơi đây ngày càng phát triển.
Trí Tín
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.1 bởi lập trình php