Bên cạnh những con số đăng ký hàng tỷ USD, GS-TS Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài cho rằng cũng phải có các dự án nhỏ để thu hút lao động, tạo cú hích phát triển kinh tế địa phương.
Trao đổi với VnExpress.net về đầu tư trực tiếp nước ngoài 9 tháng đầu năm, GS-TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho biết năm nay vốn đăng ký và giải ngân dự báo sẽ vượt kế hoạch, song cần thêm nhiều giải pháp để chọn lọc các nhà đầu tư chân chính.
– Với con số 15 tỷ USD vốn FDI được công bố, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài 9 tháng đã vượt kế hoạch cả năm. Ông đánh giá như thế nào về kết quả này?
– Tôi cho rằng riêng con số vốn đăng ký không mang nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, một chỉ tiêu quan trọng khác là vốn FDI thực hiện (giải ngân) năm nay có thể đạt mức khả quan là 13 tỷ USD, cao hơn dự kiến đưa ra đầu năm (10-11 tỷ USD). Điều đó cho thấy Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến ưa thích của nhà đầu tư và được hưởng lợi với dòng vốn chuyển ra từ Trung Quốc. Song chúng ta cũng không nên vì việc này mà chủ quan trong cải thiện môi trường kinh doanh.
GS-TS Nguyễn Mại cho rằng Việt Nam cần đối sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài chân chính. |
– Đóng góp hơn một nửa trong tổng mức thu hút vốn 9 tháng đầu năm là các dự án lớn, vốn “tỷ đô”. Ông nhận xét như thế nào cơ cấu vốn này?
5 dự án lớn được cấp phép từ đầu năm – Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) tăng vốn thêm 2,8 tỷ USD. – Dự án Samsung tại Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD để sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện tử. – Dự án Samsung tại Bắc Ninh tăng vốn thêm 1 tỷ USD. – LG Electronics rót 1,5 tỷ USD vào Hải Phòng để sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện, điện tử; – Nga chi 1 tỷ USD xây nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng ôtô buýt và các dịch vụ hỗ trợ khác tại Bình Định. |
– Theo tôi, đầu tư nước ngoài vừa phải kêu gọi dự án lớn nhưng cũng cần các dự án nhỏ. Dự án lớn nên nằm ở khu công nghiệp, khu kinh tế, còn các dự án nhỏ đưa vào tỉnh chưa phát triển, tạo nên cú hích cho phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập.
Việt Nam là nước rất cần sử dụng lao động. Hiện một năm cả nước có khoảng 1,3 triệu lao động mới, chưa kể số lao động sẽ bị dôi dư sau khi cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trong khi đó, khối doanh nghiệp nước ngoài hiện thu hút tới 5-6 triệu lao động. Do vậy, thu hút đầu tư nước ngoài nên đi bằng cả hai chân, vừa coi trọng doanh nghiệp lớn, vừa phải tiếp tục thu hút doanh nghiệp nhỏ và vừa.
– Bên cạnh những điểm sáng, từ năm ngoái đến nay chứng kiến nhiều dự án hàng tỷ USD bị thu hồi vì chủ đầu tư không có năng lực triển khai. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
– Chúng ta có quyền lựa chọn nhà đầu tư và nhà đầu tư cũng có quyền lựa chọn đất nước để rót vốn. Từ năm 2006, các địa phương bắt đầu được phân cấp cấp phép đầu tư, điều này khiến cho việc giải quyết thủ tục linh hoạt hơn, song quyền lựa chọn nhà đầu tư lại chưa được đảm bảo.
Hàng loạt dự án tỷ USD được địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng sau đó lại bị thu hồi, nếu địa phương cẩn thận lựa chọn dự án thì sẽ không xảy ra tình trạng trên. Chỉ cần lên mang chúng ta có thể biết ngay doanh nghiệp A, doanh nghiệp B đang làm gì, chiến lược sắp tới của họ, Việt Nam có phải là điểm đến ưa thích không. Với doanh nghiệp chưa xác định rõ độ tín nhiệm, địa phương có thể yêu cầu họ đặt cọc, quy định hiện nay cũng cho phép điều này.
Quốc gia nào khi thu hút đầu tư cũng phải nghĩ cách để kêu gọi những nhà đầu tư chân chính, hạn chế những sự vụ tiêu cực. Để làm được việc này thì bộ phận xúc tiến đầu tư cần phải hiểu rõ về nhà đầu tư, tránh tình trạng sau khi tiếp xúc chỉ nhận danh thiếp mà không biết đối tác làm ăn kinh doanh ra sao.
– Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư mới đây cũng cho biết đến tháng 5/2013 có 518 doanh nghiệp FDI vắng chủ, tổng vốn đăng ký gần 1 tỷ USD. Theo ông nguyên nhân mấu chốt để xảy ra tình trạng này là gì?
– Nhiều thông tin cho rằng đây là các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn nhưng theo tôi hoàn toàn không phải vậy, cần phải phân loại để có hướng xử lý phù hợp. Với những doanh nghiệp thực sự kinh doanh nhưng do khủng hoảng kinh tế phải ngừng hoạt động thì có hướng xử lý riêng. Còn những doanh nghiệp lừa đảo thì phải công bố rõ và đưa ra pháp luật.
Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng trên cũng một phần lỗi ở cơ quan quản lý. Nếu thường xuyên giám sát thì sẽ phát hiện ngay khi có vài chục doanh nghiệp vi phạm và có hướng tháo gỡ kịp thời, không phải chờ đến khi sự vụ đã tích tiểu thành đại.
Cũng giống như chuyển giá, mấy năm trước được phản ánh rất ầm ĩ nhưng đến nay chưa có phương án cụ thể, cho thấy chúng ta thiếu giải pháp, đối sách với các tình huống xảy ra trong thực tế. Để tránh việc này, thời gian tới cơ quan Nhà nước, nhất là đơn vị Thuế cần theo dõi sát hoạt động của doanh nghiệp, phát hiện những điều bất thường. Mấu chốt của việc này không phải để xử lý bây giờ mà quan trọng sắp tới sẽ có biện pháp cụ thể để tránh xảy ra việc tương tự.
– Theo ông, thời gian tới Việt Nam cần thêm hành động gì để thu hút và giữ chân nhà đầu tư?
– Hiện Việt Nam đang có những địa phương thu hút đầu tư nước ngoài rất tốt, ví dụ như Bình Dương được nhà đầu tư Mỹ đánh giá cao về hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết thủ tục. Thời gian tới, cần nhân rộng những mô hình tốt như vậy. Cũng như vậy, với thủ tục hải quan điện tử, chúng ta đã hô hào nhiều đến việc cần phải áp dụng rộng việc này, song thời gian qua làm vẫn chậm, sắp tới cần phải thay đổi nhanh và thực hiện quyết liệt.
Huyền Thư
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.1 bởi diễn đàn seo