Nếu lạm phát mục tiêu năm nay được kiểm soát ở mức 6,5% thì trần lãi suất huy động bằng VND không còn dư địa để giảm xuống dưới 7% một năm.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách, tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 7 tháng đầu năm 2013 chỉ tăng 2,68%, nhưng tình hình nợ xấu chưa được cải thiện, nên dòng tín dụng vẫn bị tắc nghẽn, nền kinh tế chưa thể hấp thụ vốn.
Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn, do tình hình nợ xấu cao và doanh nghiệp hết tài sản để thế chấp. Tuy nhiên, khả năng các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay không nhiều.
Tiến sĩ Trần Du Lịch. |
“Nếu lạm phát kỳ vọng cả năm là 7%, lãi suất cho vay đều ở mức khoảng 11 – 13% là quá cao. Mức lãi suất này không kích thích được doanh nghiệp đang có thị trường đầu tư mở rộng và làm tăng nợ xấu đối với những doanh nghiệp đang cố gắng phục hồi sản xuất. Mặt khác, những nỗ lực làm ấm thị trường bất động sản chưa thể mang lại kết quả, khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho phân khúc thị trường nhà ở xã hội còn giới hạn”, ông Lịch nói.
Trước việc Ngân hàng Nhà nước giảm thêm lãi suất thị trường mở (OMO) từ mức 6% xuống còn 5,5% trong ngày 19/7, đại diện Ngân hàng HSBC cho rằng, động thái này dường như có mục đích làm giảm nhiệt thanh khoản, vốn làm cho lãi suất qua đêm tăng tới mức cao nhất trong năm nay.
Tuy nhiên, với áp lực lạm phát gia tăng xuất phát từ việc tăng giá xăng, giá điện cùng nguy cơ giá các loại dịch vụ công tăng theo…, NHNN không có nhiều khả năng hạ lãi suất thêm nữa. Dư địa cắt giảm thêm lãi suất đã bị thu hẹp.
“Chính phủ có thể nâng giá dịch vụ công do thu ngân sách giảm. Giá hàng hóa có thể tăng do kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu vào quý IV/2013. Khả năng hạ lãi suất trong tương lai cũng làm gia tăng áp lực lạm phát”, một chuyên gia HSBC nhận định và cho rằng, động thái hạ lãi suất OMO của NHNN nhằm giải quyết điều kiện tín dụng gần đây vẫn tình trạng chậm và khả năng hạ lãi suất tiếp trong tương lai khó có thể diễn ra. Lý do là, khi lãi suất gia tăng trên toàn cầu, việc hạ lãi suất OMO có thể khiến cho dòng vốn chảy ngược ra ngoài, càng tác động tiêu cực thêm đối với thanh khoản và có thể đẩy lãi suất huy động kỳ hạn gia tăng.
Theo TS Trần Du Lịch, nếu lạm phát mục tiêu năm nay được kiểm soát ở mức 6,5%, thì trần lãi suất huy động bằng VND không còn dư địa để giảm xuống dưới 7% một năm, bởi so với lạm phát mục tiêu, với mức lãi suất huy động 7% một năm, thì người gửi tiền mới đảm bảo lãi suất thực dương. “Có thể trước mắt, NHNN còn duy trì trần lãi suất, nhưng khả năng sẽ dần dỡ bỏ trong thời gian tới để tiến tới việc lãi suất điều chỉnh theo cung – cầu thị trường. Do đó, việc bỏ trần lãi suất chỉ còn là vấn đề thời gian, chứ khó có thể duy trì lâu”, ông Lịch nói.
Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cũng thừa nhận, chi phí huy động vốn đầu vào sẽ khó có thể giảm so với mức hiện nay, bởi thực tế, trong thời gian qua, trần lãi suất huy động đã giảm quá mạnh, từ 14% xuống còn 7% một năm. “Tuy nhiên, đối với lãi suất cho vay chắc chắn còn phải điều chỉnh giảm thêm”, ông Minh nói.
Hiện lãi suất cho vay bằng tiền đồng (ngoài 5 lĩnh vực ưu tiên) từ tiêu dùng đến sản xuất, kinh doanh dao động 11- 13%/năm (ngắn hạn), 13 – 15% (trung, dài hạn). Còn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay là 9%/năm. Thế nhưng, để khơi thông được dòng chảy tín dụng hiện nay, thì lãi suất cho vay phải giảm thêm nữa.
Theo Đầu tư
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi webmaster viet nam