Tính từ thời điểm tăng thuế xuất khẩu than lên 13%, sản lượng xuất khẩu một tháng trung bình chỉ đạt 0,12 triệu tấn, bằng một phần mười khi áp dụng thuế suất 10%.
Ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết, trong tháng 7, Vinacomin chỉ tiêu thụ 2,1 triệu tấn than (trong nước 1,85 triệu tấn và xuất khẩu 0,25 triệu tấn). Lũy kế 7 tháng đầu năm đạt 23,6 triệu tấn than (trong nước 16,35 triệu tấn; xuất khẩu 7,25 triệu tấn). Do sản lượng than tiêu thụ thấp nên doanh thu, kết quả kinh doanh cũng giảm.
Nguyên nhân được ông Biên lý giải do mùa mưa nên than bán cho điện giảm (tháng 7 than bán cho điện chỉ đạt 0,9 triệu tấn). Trong khi đó, xuất khẩu than cả tháng 7 chỉ được 250.000 tấn. Nếu tính từ thời điểm tăng thuế xuất khẩu than lên 13%, từ ngày 7/7 đến 7/8, sản lượng than xuất khẩu một tháng trung bình chỉ đạt 0,12 triệu tấn, bằng một phần mười bình quân tháng khi áp dụng thuế suất 10%.
Do tiêu thụ than chậm nên lượng than tồn kho tăng, việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng, thu nộp ngân sách giảm (dự kiến cả năm giảm trên 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch).
Hiện, khoảng 30% sản lượng than phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Từ khi tăng thuế xuất khẩu, để nộp thuế 13% không bị lỗ, Vinacomin đã phải tăng giá bán tương ứng, trong khi nền kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng chậm, giá than giảm.
Nếu thuế xuất khẩu than không được điều chỉnh và tình hình thị trường như hiện nay, dự kiến 6 tháng cuối năm, Vinacomin có thể chỉ xuất khẩu tối đa được khoảng một triệu tấn (giảm 6 triệu tấn so với 6 tháng đầu năm).
“Thuế xuất khẩu cần điều chỉnh hợp lý, không nên tăng thuế trong lúc thị trường còn nhiều khó khăn để tiêu thụ sản phẩm, ổn định sản xuất, việc làm và tăng thu ngân sách”, ông Biên nói.
Theo Tiền Phong
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi lập trình php